13 tháng 6, 2011

Các bài viết về: Khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng thi công xây lắp

Ông Nguyễn Văn Hoạt, địa chỉ Email (vanhoat.nafi@mofi.gov.vn) hỏi: "Đơn vị chúng tôi đã ký hợp đồng thi công xây lắp (loại hợp đồng trọn gói không điều chỉnh giá và khối lượng có thể thay đổi nếu chủ đầu tư thấy xuất hiện yếu tố có lợi hơn).
Khi thi công xuất hiện các hạng mục phát sinh ngoài hợp đồng thi công xây lắp. Theo yêu cầu của chủ đầu tư và tư vấn thiết kế (đã xác nhận vào nhật ký thi công) yêu cầu nhà thầu thi công các hạng mục phát sinh đó. Trong quá trình thi công đều có mặt tư vấn giám sát theo dõi, xác nhận. Tuy nhiên khi lập biên bản nghiệm thu các hạng mục phát sinh đó thì tư vấn giám sát từ chối ký biên bản nghiệm thu vì lý do chưa có văn bản phê duyệt bổ sung của chủ đầu tư và người quyết định đầu tư.


Vậy xin hỏi quý Bộ các nội dung sau:

1. ý kiến của chủ đầu tư và tư vấn thiết kế xác nhận vào nhật ký thi công có đủ cơ sở để nghiệm thu, thanh toán hay không? (cũng xin nói rõ thêm trong quá trình thi công do yêu cầu tiến độ của công trình và chủ đầu tư nên chúng tôi chỉ ghi nhật ký thi công các hạng mục phát sinh, có xác nhận của chủ đầu tư và tư vấn thiết kế).

2. Nếu không thì vì sao và chúng tôi cần phải có các thủ tục gì để được nghiệm thu và xác nhận khối lượng công việc là đúng hay sai?

3. Tư vấn giám sát chỉ xác nhận đầu mục công việc chứ không ký biên bản nghiệm thu và xác nhận khối lượng công việc là đúng hay sai?"
Về vấn đề này, sau khi nghiên cứu, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng có ý kiến như sau: 
1. Hồ sơ thanh toán hợp đồng xây dựng được quy định tại Điều 26 Nghị định 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng như sau: 
“1. Các tài liệu, chứng nhận cần thiết trong hồ sơ thanh toán phải được ghi rõ trong hợp đồng xây dựng. Hồ sơ thanh toán do Bên nhận thầu lập bao gồm các tài liệu chủ yếu sau đây:

a) Biên bản nghiệm thu khối lượng thực hiện trong giai đoạn thanh toán có xác nhận của đại diện nhà thầu, Bên giao thầu và tư vấn giám sát, nếu có;

b) Bản xác nhận khối lượng điều chỉnh tăng hoặc giảm so với hợp đồng có xác nhận của đại diện nhà thầu, Bên giao thầu và tư vấn giám sát, nếu có;

c) Bảng tính giá trị đề nghị thanh toán trên cơ sở khối lượng công việc hoàn thành đã được xác nhận và đơn giá ghi trong hợp đồng;

d) Đề nghị thanh toán của Bên nhận thầu, trong đó nêu rõ khối lượng đã hoàn thành và giá trị hoàn thành, giá trị tăng (giảm) so với hợp đồng, giá trị đã tạm ứng, giá trị đề nghị thanh toán trong giai đoạn.

2. Đối với trường hợp thanh toán hợp đồng theo giá hợp đồng trọn gói: biên bản xác nhận khối lượng tại điểm a khoản 1 Điều này là xác nhận hoàn thành công trình, hạng mục công trình, công việc của công trình phù hợp với thiết kế (không cần xác nhận khối lượng hoàn thành chi tiết).”

2. Việc chủ đầu tư và nhà thầu thiết kế xác nhận vào nhật ký thi công xây dựng những thay đổi thiết kế là theo đúng hướng dẫn tại điểm 3.5 khoản 3 Thông tư 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng “Hướng dẫn một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng và Điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân  trong hoạt động xây dựng” nhưng đủ cơ sở để nghiệm thu, thanh toán là vì những lý do sau đây:

a) Những người sửa đổi thiết kế phải ký tên vào bản vẽ thiết kế, chịu trách nhiệm về việc sửa đổi của mình ( khoản 2 Điều 17 Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng)

b) Nhà thầu thiết kế phải tập hợp các chỉnh sửa thiết kế làm phát sinh khối lượng ngoài hợp đồng trình chủ đầu tư phê duyệt.

c) Khối lượng phát sinh phải được chủ đầu tư, người quyết định đầu tư chấp thuận, phê duyệt (Khoản 3 Điều 32 Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng)

Khi có khối lượng phát sinh ngoài thiết kế, dự toán xây dựng công trình được duyệt thì chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng phải xem xét để xử lý. Riêng đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư để xem xét, quyết định. Khối lượng phát sinh được chủ đầu tư, người quyết định đầu tư chấp thuận, phê duyệt là cơ sở để thanh toán, quyết toán công trình

d) Khối lượng phát sinh phải có văn bản phê duyệt hoặc dự toán bổ sung được duyệt (Điểm 1.2. khoản 1 mục IV Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 03/4/2007 của Bộ Tài chính)

Trường hợp khối lượng phát sinh tăng hoặc giảm so với khối lượng trong hợp đồng nhưng trong phạm vi của hồ sơ mời thầu và không do lỗi của nhà thầu thì khối lượng phát sinh tăng giảm phải phù hợp với các điều kiện cụ thể quy định trong hợp đồng, có văn bản phê duyệt, được tính theo đơn giá của hợp đồng. Giá trị hợp đồng sau khi điều chỉnh không được vượt dự toán, tổng dự toán hoặc giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu được duyệt, trừ trường hợp được người có thẩm quyền cho phép.

Những khối lượng phát sinh vượt hoặc ngoài hợp đồng, ngoài phạm vi của hồ sơ mời thầu phải có văn bản phê duyệt (nếu khối lượng phát sinh được đấu thầu) hoặc dự toán bổ sung được duyệt (nếu khối lượng phát sinh được chỉ định thầu) của cấp có thẩm quyền cả về khối lượng và đơn giá ”.

đ) Phải có đủ hồ sơ thanh toán đối với giá hợp đồng trọn gói được quy định tại điểm 2.8.7 khoản 2 phần II của Thông tư số 06/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng “ Hướng dẫn hợp đồng trong hoạt động xây dựng”, trong đó yêu cầu:

- Bảng xác định giá trị khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng có xác nhận của đại diện bên giao thầu hoặc đại diện nhà tư vấn (nếu có) và đại diện bên nhận thầu (theo phụ lục số 4 của Thông tư 06/2007/TT-BXD);

- Bảng tính giá trị đề nghị thanh toán (theo phụ lục số 1 của Thông tư 06/2007/TT-BXD) cần thể hiện các nội dung: Giá trị khối lượng hoàn thành theo hợp đồng, giá trị khối lượng các công việc phát sinh ngoài hợp đồng (nếu có), chiết khấu tiền tạm ứng, giá trị thanh toán sau khi đã bù trừ các khoản trên.

3. Trong các Biên bản nghiệm thu công việc xây dựng (mẫu phụ lục 4A), nghiệm thu bộ phận công trình, giai đoạn xây dựng (mẫu phụ lục 5A) và nghiệm thu hạng mục công trình và công trình hoàn thành để đưa vào sử dụng (mẫu Phụ lục 7) không yêu cầu phải có khối lượng cụ thể của các công việc thực hiện. Việc không nêu cụ thể khối lượng công việc thực hiện không có nghĩa là không nghiệm thu khối lượng đối tượng được nghiệm thu. Việc tính toán cụ thể khối lượng các công việc thực hiện không thể tính ngay được tại thời điểm nghiệm thu. Nếu yêu cầu phải tính toán tại chỗ thì rất khó chính xác và sẽ gây khó khăn cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng trong việc thanh toán. Trong các mẫu Biên bản nêu trên luôn luôn yêu cầu ghi rõ tên công việc, bộ phận công trình xây dựng, giai đoạn thi công xây dựng được nghiệm thu và vị trí xây dựng trên công trình.

Bởi vậy, nếu chỉ cần dựa trên bản vẽ hoàn công công việc, bản vẽ hoàn công bộ phận công trình xây dựng, giai đoạn thi công xây dựng là tính toán được khối lượng cụ thể để thanh toán. Làm được như vậy thì chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng có thời gian tính toán , kiểm tra và đối chiếu với khối lượng tính toán theo bản vẽ thiết kế và dự toán đã được phê duyệt được chính xác hơn.

Với lý do trên, việc nhà thầu giám sát thi công xây dựng không phải xác nhận khối lượng thi công xây dựng trong các biên bản nghiệm thu mẫu phụ lục 4A, mẫu phụ lục 5A và mẫu phụ lục 7 là đúng.

Tuy nhiên, theo các quy định nêu tại mục 1 và mục 2 thì Biên bản nghiệm thu khối lượng thực hiện trong giai đoạn thanh toán, Bản xác nhận khối lượng điều chỉnh tăng hoặc giảm so với hợp đồng phải có xác nhận của đại diện nhà thầu, Bên giao thầu và tư vấn giám sát (nếu có). Riêng Bảng xác định giá trị khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng có xác nhận của đại diện bên giao thầu hoặc đại diện nhà tư vấn (nếu có) và đại diện bên nhận thầu.
Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng
Bài viết của VNIKEDA (gia24.vn)
Các vấn đề nêu ở dưới đây là của 1 dự án ODA của ngành giao thông (vốn cho GPMB là vốn đối ứng, còn lại thì hầu hết là vốn vay ưu đãi của CP Nhật Bản thông qua JBIC). Dự án nay gồm 2 tiểu dự án, mỗi tiểu dự án lại bao gồm nhiều công trình.
Khi lập Tổng mức đầu tư và Kế hoạch đấu thầu theo cách thức của VN thì ngoài Xây lắp  + Chi phí khác (GPMB, QLDA, thuế, bảo hiểm ...)+ Dự phòng.
Nhưng trong Dự toán XL của từng gói thầu người ta cũng đặt 1 khoảng dự phòng (=10% XL). Phải kiểm soát sao cho giá trị phát sinh nằm trong khoảng dự phòng này nếu không thì sẽ rất phức tạp (có thể phải xin bổ sung hiệp định vay vốn, bổ sung giá trị gói thầu...).
Đối với dự án trong nước (vốn trái phiếu) thì người ta lại không để Dự phòng ra ngoài cho từng goí thầu mà để chung cho toàn dự án.
Như vậy ta thấy rằng đối với dự án ODA thì rất ít dùng dự phòng của dự án, mà có dùng thì cũng rất phức tạp => Kế hoạch vốn không chính xác. Nhưng nếu là vốn trong nước thì cũng không hay, bởi vì khi sửa đổi/bổ sung của 1 gói thầu thì phải chờ để tập hợp hết tất cả các gói trong dự án vì sợ vượt trần dự phòng.
Một nguyên tắc là không được tính giá 2 lần. Nhưng do sự bất cập giữa quy định của VN và Nhà tài trợ nên đôi khi nguyên tắc này bị vi phạm. Tất nhiên, nói như nhiều người thì có chết ai đâu nhưng những tài liệu Tổng mức đầu tư, Kế hoạch đấu thầu, Giá trị xây lắp gói thầu được duyệt lại là cơ sở (kế hoạch tài chính) cho vấn đề phát sinh khối lượng.
Ở dự án ODA thì đến cuối dự án người "tây" lập một tài liệu gọi là C.C.O (Lệnh thay đổi), nó thể hiện được giá trị/khối lượng thay đổi so với hợp đồng, nguyên nhân thay đổi, giá thoả thuận giữa CĐT và Nhà thầu đối với những hạng mục chưa có trong hợp đồng. Và nếu có gì thay đổi thì lại cập nhật tiếp vào. (Cách làm này theo tôi là khoa học)
Nhưng khi duyệt phát sinh thì người "ta" lại yêu cầu phải lập thành nhiều Bill để thể hiện “Đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương” sau đó cộng các Bill lại.
Tuy làm vốn ODA nhưng cơ quan có thẩm quyền thay mặt CĐT (trước đây, là Cục giám định) lại làm theo kiểu VN, chả ăn nhập gì với Hợp đồng mặc dù được giải thích rằng khi có sự tranh chấp giữa các quy định pháp lý của VN và Thoả ước song phương/đa phương thì phải ưu tiên thoả ước. Nên khi kiểm toán, thanh tra vào thì khó giải trình (cũng hay, họ tự làm khó cho nhau). Có những vấn đề mà hỏi Thanh tra, kiểm toán cách giải quyết vấn đề thì họ nói là “đấy là việc của các cậu, tớ chỉ biết đấy là không đúng”. Mà cách làm của Thanh Tra, kiểm toán thường là phát hiện những cái sai “Gây thiệt hại cho nhà nước” chứ không phát hiện cái sai “gây thiệt hại cho nhà thầu”.
Quay lại bài trước, hợp đồng là loại không điều chỉnh giá (không biết là không điều chỉnh đơn giá tổng hợp của các hạng mục hay của hợp đồng, hay của tổng các hạng mục?). Theo tôi thì mấy vấn đề đó như sau:
1. Khối lượng này nên coi là khối lượng bổ sung so với hợp đồng (rõ ràng là thêm vào) nhưng không làm thay đổi thiết kế và giá đã có sẵn.  BQLDA có quyền thanh toán, khi kết thúc dự án thì tập hợp để báo cáo CĐT. Tuy nhiên về giá thì phải xem xét được quy định trong hợp đồng thì theo hợp đồng, giữa nguyên giá nếu như khối lượng tăng lên không nhiều (khoảng 10%) và thương thảo lại giá nếu khối lượng tăng lớn.

0 nhận xét:

|» Đăng hình ảnh | code chèn sẽ là [img] Link ảnh [/img]
|» Đăng nhạc của tui | code sẽ là [nct] Link bài hát [/nct]
|» Đăng Video Youtube | code sẽ là [youtube] Link Video Youtube [/youtube]
|» <b> Chữ in đậm <\/b>
|» <i> Chữ in nghiêng <\/i>

:) :( :)) :(( =)) Mã hóa code